Blog chia sẻ kiến thức tài chính
8 cách dạy trẻ tiết kiệm nước vô cùng dễ dàng
8 cách dạy trẻ tiết kiệm nước vô cùng dễ dàng

8 cách dạy trẻ tiết kiệm nước vô cùng dễ dàng

Phạm Doãn Cương

Tặng!

Giải thích cho con hiểu vai trò to lớn của nước

Nước vốn là nguồn tài nguyên có giới hạn cần được tiết kiệm . Bất kỳ ai cũng phải học cách tiết kiệm nước không chỉ mỗi trẻ nhỏ. Tuy nhiên việc giáo dục cho trẻ từ nhỏ sẽ giúp xã hội đón nhận một thế hệ trẻ biết yêu nguồn nước yêu môi trường hơn.

Các bậc cha mẹ nên thường xuyên trò chuyện về các vấn đề con đang gặp phải, lắng nghe, chia sẻ và đặt mình vào vị trí của con để hiểu quan điểm của trẻ. Đừng ngại trò chuyện với con vì điều này giúp tạo thói quen để con cái gần gũi với cha mẹ. Muốn trẻ tiết kiệm nước cũng vậy, bạn hãy dành thời gian để giải thích cho con hiểu. Tại sao cần phải tiết kiệm nước? Hậu quả nếu không tiết kiệm nước sẽ như thế nào? Khi hiểu được lý do trẻ sẽ tự giác thực thiện hơn.

Giải thích cho con hiểu vai trò to lớn của nước

Bạn có thể đưa ra ví dụ về cách nào gây lãng phí nước, cách nào sử dụng đúng mức hoặc so sánh giữa việc tắm bằng vòi sen với tắm bồn bằng cách đo lượng nước ở từng trường hợp. Thường xuyên lấy dẫn chứng từ những việc cụ thể, từ phim ảnh hay những tình huống đời thực con gặp phải. 

Như trong việc trồng cây chẳng hạn, những hàng cây sau vài ngày không được tưới nước trở nên héo. Nhưng chỉ cần tưới chút nước là một lúc sau cây sẽ dần tươi tốt trở lại. Bạn hãy dẫn trẻ thực hành ngay việc tưới cây cùng mình để bé thấy nước đã đem lại sự thay đổi lớn thế nào với cây cối. Từ đó giải thích cho trẻ hiểu những giọt nước khi trẻ tiết kiệm được có thể cứu sống không chỉ một hàng cây mà còn cứu sống cả một rừng cây và trái đất nữa.

Tắt vòi nước khi không sử dụng

Tắt vòi nước khi không sử dụng là điều đơn giản mà người lớn nào cũng biết. Tuy nhiên trẻ nhỏ đôi khi lại hay quên điều này. Nước chảy liên tục gây lãng phí rất nhiều. Bạn chỉ quên tắt vòi nước khoảng nửa tiếng đồng hồ là hàng chục lít nước đã bị lãng phí rồi. Đó chỉ là một lần, nếu cứ lặp lại nhiều lần thì lượng nước bị lãng phí quả thật không tưởng được.

Tắt vòi nước khi không sử dụng

Trong trường hợp này bạn hãy lấy ví dụ thực tế luôn để trẻ hiểu nước đang bị phí phạm như nào. Chẳng hạn, bằng cách mở vòi nước và cho chảy vào một cái xô, để yên như vậy trong một khoảng thời gian nhất định. Sau đó, bạn hãy giải thích với con rằng lượng nước này có thể làm được nhiều việc như tưới cây, rửa xe, lau nhà… thay vì để nó chảy đi mà không có ích gì. 

Bạn nên tạo điều kiện cho con hỏi thật nhiều câu hỏi, khi hỏi tức là con đang hứng thú với vấn đề này. Khi đó bạn có thể giải thích cặn kẽ hơn cho con. Khi hiểu được vấn đề, con sẽ bắt đầu hình thành ý thức tắt vòi nước khi không sử dụng. Ngoài ra, các bậc phụ huynh hãy nhắc nhở bé tắt vòi nước khi đánh răng, chà xà phòng vào tay và chỉ mở nước lại lúc súc miệng hay rửa tay sạch xà phòng.

Khóa vòi nước thật chặt sau khi dùng

Học được việc tắt vòi nước khi không sử dụng đã tốt rồi. Tuy nhiên còn một vấn đề mà nhiều người lớn ít để ý chính là nhiều trẻ có thói quen khóa vòi nước không chặt. Lí do là nhiều dạng vòi nước để khóa chặt cần dùng nhiều sức lực mà trẻ nhỏ lực ở tay còn hơi yếu. Bên cạnh đó, nhiều trẻ không hề biết là việc khóa vòi nước như nào mới là đúng cách.

Khóa vòi nước thật chặt sau khi dùng

Ngoài việc giáo dục cho trẻ các bố mẹ hãy luôn kiểm tra các vòi nước trong nhà. Để đảm bảo chúng sẽ được khóa chặt tránh rò rỉ và việc nhỏ giọt có thể gây lãng phí rất nhiều nước theo thời gian.

Không nhấn xả bồn cầu quá nhiều

Nghe có vẻ nghiêm trọng, nhưng một cái nhấn xả nước của bạn có thể tác động đến an nguy của môi trường trái đất và sự sống còn của nhân loại. Bạn không tin ư? Hãy ví dụ một ngày chúng ta đi vệ sinh khoảng 4-5 lần. Mỗi lần xả bồn cầu hết khoảng 4-6 lít/lần (con số này là 10 lít với những bồn xả thời xưa). Như vậy, chúng ta tiêu tốn khoảng 30 lít nước sạch mỗi ngày chỉ để xả bồn cầu. Một con số khá khủng đúng không. Tuy nhiên đó là với người lớn, còn với trẻ nhỏ thì sao?

Không nhấn xả bồn cầu quá nhiều

Nhiều trẻ rất thích xả nước bồn cầu. Không như người lớn trẻ nhỏ lại đi tiểu rất nhiều lần trong ngày. Điều này sẽ gây lãng phí lượng nước không cần thiết vì một lần xả nước có thể tốn 4-6 lít. Khi đó, các bậc phụ huynh hãy dặn dò bé chỉ xả nước khi cần thiết. Chỉ một việc nhỏ vậy thôi có thể giúp gia đình bạn tiết kiệm hàng trăm lít nước mỗi tháng đó.

Dạy trẻ cách tái sử dụng nước

Thực tế, việc dạy con tiết kiệm và trân trọng tài nguyên nước không quá khó như nhiều người nghĩ. Con bạn không cần những bài học lý thuyết xa rời thực tế mà con sẽ hình thành thói quen sống có trách nhiệm hơn, đặc biệt với tài nguyên nước. Có thể nói rằng con cái đôi khi như tấm gương phản chiếu của cha mẹ vậy. Khi con thấy cha mẹ và những người xung quanh biết trân trọng nguồn nước sạch mình đang sử dụng bé cũng sẽ tự có ý thức và noi gương theo.

Dạy trẻ cách tái sử dụng nước
  • Hãy bắt đầu từ những cách đơn giản nhất là nhắc con hạn chế tối đa việc đánh răng, tắm rửa dưới vòi nước chảy liên tục.
  • Khi con đánh răng, phụ huynh nên dạy bé hứng nước vào ly, ca để súc miệng, tránh để nước chảy lãng phí khi đang đánh răng.
  • Khi rửa bát thì nên hứng nước trong chậu sau đó dùng nước tận dụng để rửa sân nhà. 
  • Dạy con tận dụng nước vo gạo, nước rửa rau, nước còn thừa lại trong chai để tưới cây thay vì phải dùng vòi tưới nước. Bạn nên giải thích cho bé vì sao việc tái sử dụng nước lại quan trọng và con sẽ không làm lãng phí nước.
  • Bạn cũng tạo thói quen cho con tắm vòi sen thay vì vòi nước lớn, bồn tắm. 
  • Hãy chia sẻ một cách nhẹ nhàng và thực hành cùng con nhiều lần để con hình thành thói quen mà không có cảm giác bị ép buộc.

Trữ nước khi cần thiết

Có rất nhiều phương pháp tích trữ nước từ đơn giản đến phức tạp. Các bố mẹ hãy thực hành với bé từ những việc đơn giản như lấy chiếc thùng, thau chậu nhỏ và để ngoài hiên khi trời đang mưa. Đây không chỉ như một hoạt động vui chơi gắn kết giữa bố mẹ với con cái mà còn là một hành động ý nghĩa để tiết kiệm nước. 

Trữ nước khi cần thiết

Lượng nước sau khi hứng được bạn hãy cho bé tham gia tưới cây, tưới rau quanh nhà. Đôi khi là dùng ngay vào việc rửa xe cho con luôn. Khi đó bạn hãy vừa thực hành vừa giải thích những lợi ích của việc tận dụng nước trữ được. Chắc chắn bé sẽ thấy hứng thú và ghi nhớ lời dặn của cha mẹ hơn đó.

Cho con tham gia nhiều hoạt động ngoài trời

Cả gia đình thường xuyên tham ra những hoạt động ngoài trời giúp bạn vừa tiết kiệm nước lại vừa tiết kiệm điện. Thay vì bố dán mắt vào điện thoại, con cũng nằm dài xem tivi thì cả gia đình hãy tham gia các hoạt động ngoài trời. Vừa để gắn kết các thành viên trong gia đình vừa để rèn luyện sức khỏe.

Thay vì nghịch vòi nước đùa giỡn nhau, bé cũng sẽ thích thú khi bạn giao nhiệm vụ trồng cây, đặc biệt là những cây cảnh có khả năng chịu hạn. Với phương pháp này, bạn sẽ đỡ đau đầu khi nhìn thấy hóa đơn tiền nước và còn giúp trẻ tham gia vào công việc trồng trọt, từ đó hiểu được cách sử dụng nước hợp lý.

Tiết kiệm trong giặt giũ

Trong giặt giũ, bạn cũng có thể giúp con tiết kiệm nước đáng kể. Bé sẽ còn học được cách tự lập nếu biết cách giặt tay những bộ quần áo của chính mình từ khi còn nhỏ với sự giúp đỡ khi bố mẹ. Khi giặt quần áo bằng tay, con nên mang găng cao su để hạn chế rửa tay nhiều lần. Khi xả quần áo lần cuối, hãy giữ lại nước này để làm sạch sàn nhà, lau nhà hoặc rửa xe. 

Tiết kiệm trong giặt giũ

Tuy nhiên, nên hạn chế xả quần áo nhiều lần, bằng cách sử dụng nước xả vải 1 lần để tiết kiệm nước một cách tối đa. Sử dụng nước xả vải 1 lần xả, chúng ta có thể tiết kiệm khoảng 20 lít nước, tiết kiệm kha khá cho gia đình. Như vậy, con vừa học được cách tự lập, biết tiết kiệm nước lại vừa là bảo vệ môi trường.

Kết luận 

Trên đây là một vài cách đơn giản giúp trẻ tiết kiệm nước tốt hơn. Điều quan trọng nhất là cha mẹ phải luôn là tấm gương để trẻ suy nghĩ, học tập và thay đổi thói quen. Vì vậy, cha mẹ nên thực hành cách tiết kiệm nước ngay trong nhà để con làm quen với lối sống sử dụng nước hợp lý sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn nhiều.